Đăng Ký Học
Ngày 14/04/2021 09:41:18, lượt xem: 19407
ĐỀ BÀI:
Trình bày cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:
“Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cải thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân này mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn máy, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về "nhà" bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”.
Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái im lặng lúc đó thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
Anh thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao họa sĩ cảm giác mình bối rối? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhỏ e lệ, đứng giữa các luống dơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe? Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ước ao được biết, ôi, một nét thôi đã khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.
- Anh nói nữa đi. - Ông giục.
- Báo cáo hết! - Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. - Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.
Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Anh thanh niên rót nước chè mời bác già, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô."
(Trích Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)”
BÀI LÀM:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Những vần thơ trên đã thể hiện khát khao cháy bỏng được dâng hiến, hòa nhập mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc. Cũng viết về những nốt trầm lặng lẽ nhưng cao đẹp giữa cuộc sống, nhà văn Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” đã hướng ngòi bút đến những con người vô danh âm thầm đóng góp sức lực cống hiến cho tổ quốc thân yêu. “Lặng lẽ Sapa” là một bản nhạc dịu dàng ngợi ca những người say mê, miệt mài với lí tưởng đẹp đẽ vì cộng đồng, sống một cuộc đời ý nghĩa. Có lẽ khi gấp trang sách lại, bạn đọc không thể nào quên được hình ảnh anh thanh niên với lí tưởng cao đẹp qua cuộc trò chuyện với ông họa sĩ, cô kĩ sư.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long là người ta nhắc đến cây bút nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc, nhiệt thành xâm nhập vào thực tế. Văn của ông được gọi là thứ thơ bằng văn xuôi về cuộc sống mới, con người mới. “Lặng lẽ Sapa” mà tác giả viết là một minh chứng rõ nét nhất cho những lời nhận xét đó. Tác phẩm là kết quả chuyến đi thực tế của ông lên “Sapa”-nơi giao thoa đất trời. Truyện được viết vào mùa hè năm 1970, in trong tập truyện “giữa trong xanh”. Tác phẩm kể lại cuộc gặp gỡ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m giữa núi rừng Lào Cai. Qua đó, tác giả ca ngợi những con người tuy sống lặng lẽ giữa trong xanh nhưng rất nhân hậu, sống sôi nổi, giàu chí hướng và hết lòng phục vụ đất nước.
Không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, người đọc biết đến nhân vật anh thanh niên qua lời chuyện trò của bác lái xe trên chuyến hành trình lên vùng cao. Hình ảnh ấy lại được khắc họa rõ ràng hơn trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh và mọi người khi xe dừng lại nghỉ ở hành trình. . Ông họa sĩ, cô kĩ sư ở dưới xuôi được anh mời đến thăm nơi ở của mình. Và từ đây, câu chuyện về công việc, về cuộc sống của anh được hé lộ khi anh tâm sự với ông họa sĩ, cô kĩ sư. Đoạn trích kể về cuộc trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư về nơi ở, công việc của mình nằm ở phần giữa của tác phẩm.
Nhắc đến nơi đây, có lẽ trong đầu mỗi người đều hiện ra một vùng đất mát mẻ, có tuyết mỗi khi đông về, là nơi tham quan, nghỉ ngơi thú vị nhưng ít ai biết rằng Sapa nơi đây còn có những con người miệt mài lao động ngày đêm để cống hiến một phần của mình cho đất nước bằng đam mê. Đoạn văn là lời của nhân vật anh thanh niên- nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sapa. Nhân vật anh thanh niên 27 tuổi đó sống một mình trên đỉnh núi cao mây mù quanh năm che phủ, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi Sapa. Với công việc làm khí tượng kiêm vật lí địa cầu, anh có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất. Mặc dù làm công việc ít ai dám làm nhưng anh lại kể cho ông họa sĩ và cô kĩ sư bằng giọng tự hào, hạnh phúc. “Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về nhà bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là ốp.” Vì công việc mà anh không thể ngủ đủ giấc, mỗi đêm đều phải dậy bốn lần. Khó có thể ngờ tới một công việc vô cùng gian lao, vất vả kia lại được làm bởi một chàng trai trẻ tuổi. 27 tuổi- một tuổi trẻ nhiều hoài bão đam mê kia tưởng chừng như sẽ bay cao bay xa với những ước mơ, lập nghiệp ở thủ đô hoa lệ, những thành phố rộng lớn nhưng anh lại chọn Sapa làm nơi lập nghiệp cho riêng mình. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ, vất vả là thử thách rất lớn nhưng anh thanh niên đã vượt qua hoàn cảnh ấy bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp. Đây là sự hi sinh thầm lặng, cống hiến cao cả của anh với quê hương đất nước, dân tộc.
Qua lời kể của bản thân, anh thanh niên hiện lên với lí tưởng cao đẹp, hiện lên với những nét riêng về phẩm chất của bản thân mình. Trước hết, anh là một người rất yêu nghề, hang say tận tụy với công việc. Anh đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ công tác và đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt được kết quả tốt nhất. Một chàng trai trẻ tự nguyện lên đây làm việc không phải vì sự bốc đồng nhất thời mà là cả một nhận thức chín chắn, đúng đắn, sâu sắc nhất. Thân trai tráng đứng trước cảnh nước nhà còn gặp nhiều khó khăn gian khổ thì làm sao anh có thể ngồi yên hưởng thụ được. Từ đáy lòng anh từng tiếng gọi của non sông đất nước cứ mãi vang lên từng hồi thôi thúc như hồi kèn xung trận. Không ai bắt buộc anh phải lên nơi mây mù sương phủ như vậy để làm việc nhưng anh vẫn chọn nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành cho ai?”. Anh thanh niên như một viên kim cương sáng giữa vùng đất sa mạc cằn cỗi. Anh tự hào với công việc của mình, giới thiệu chi tiết từng lọai máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư. “Cái này là máy nhật quan kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng, vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đón gió. Cái máy này dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất.” Phải yêu công việc lắm, gắn bó với công việc lắm mới có thể thuộc được như vậy.
Anh thanh niên là người có hành động đẹp. Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Sống đơn độc nơi rừng núi mà làm việc thì chắc chắn sẽ không phải chuyện dễ dàng. Biết bao nhiêu vất vả, gian lao, rình rập, thiếu thốn vật chất lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng với lòng hăng say trong công tác, người con trai của rừng núi Sapa vẫn cố gắng vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Qua lời tâm sự của anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư , ta càng hiểu hơn những gian khổ mà anh phải chịu: “Gian khổ nhất là lần đi và báo về lúc một giờ sáng. Rét bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết ấy.” Khuya rét, mưa tuyết,..có thể là lí do để anh trốn tránh trách nhiệm. Lúc một giờ khuya lạnh lẽo ấy, liệu ai dậy đi kiểm tra xem anh có làm tốt công việc của mình hay không? Nhưng với một người chăm chỉ như anh, anh vẫn tự giác làm việc, những bản báo cáo vẫn đều đặn gửi về trạm. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi ốp đúng giờ: “Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về nhà bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là ốp”. Ngày nào cũng vậy, anh làm việc một cách đều đặn, chính xác bốn lần trong ngày, âm thầm bền bỉ trong nhiều năm trời. Hơn ai hết, anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc mình làm. Một cơn bão tràn vào sẽ cướp hết những gì đã và đang làm được từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân lao động. Công việc của anh thật chẳng kém gì nhiệm vụ của các anh chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Nếu như thời xưa, ông cha ta chiến đấu để giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc mới được coi là suy nghĩ cho đất nước thì giờ đây, những công việc hi sinh thầm lặng của anh thanh niên là phẩm chất thể hiện lòng yêu nước. Anh mang tuổi trẻ, sức trẻ cùng sự nhiệt huyết của mình đến vùng cao của tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng nói:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
Tuổi trẻ cùng với sự kiên trì, bền bỉ, anh thanh niên đã không ngại gian khó, gian khổ để hoàn thành công việc tốt nhất, góp phần đem lại sự phát triển cho đất nước, xã hội.
Lật giở những trang sách tiếp theo, ta lại càng thêm thán phục về anh thanh niên: người có phong cách sống cao đẹp. Tuy sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m nhưng căn nhà của anh luôn gọn gàng ngăn nắp. “Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.” Ghé thăm ngôi nhà nơi đây, nếu không biết trước người ở là một chàng trai thì có lẽ mọi người đều lầm tưởng đây là nơi ở của một cô gái. Sống giữa núi cao, nhưng anh không hề bị bóng núi che khuất, con người anh tuy bé nhỏ nhưng anh vẫn cao lớn lạ thường. Anh luôn có tinh thần thái độ làm việc nghiêm túc, chính xác, khoa học. Anh vẫn luôn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất dù không có ai nhắc nhở, kiểm tra. Những công việc anh đều làm đều đặn, thường xuyên, đúng giờ. Anh như một vận động viên leo núi cố gắng vượt qua mọi chông gai để lên đỉnh núi cao nhất. Người vận động viên kiên cường ấy đã làm việc trong tự nguyện, tự giác vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gặt hái những thành quả tốt đẹp. Ở con người này còn là cả một sự khao khát được vươn xa, bay xa đến những ước mơ cao đẹp. Đúng như lời của tác giả Nguyễn Thành Long đã từng nói: “Trong cái im lặng của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”
Cùng nói về vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam với những cống hiến, hi sinh thầm lặng, cao cả, trong dòng chảy của văn học Việt Nam, ta còn bắt gặp hình ảnh những cô thanh niên xung kích- những vì sao vẫn luôn tỏa sáng lung linh, góp thêm ánh sáng của đôi mắt trẻ, trái tim hồng để thắp sáng bầu trời dân tộc đang bị bóng đêm bầu trời chiến tranh che phủ. Phương Định, Thao, Nho đều là những thiếu nữ mười tám, hai mươi tuổi- tuổi đẹp nhất của đời người nhưng lại chọn công việc hiểm nguy, gian khó, nguy hiểm đến tính mạng để làm. Cả anh thanh niên và cả những cô gái trẻ tuổi kia đều hi sinh những cái riêng, nhỏ bé của mình để cống hiến cho đất nước, dân tộc. Chúng ta phải thầm biết ơn họ- những chiến binh thầm lặng đã đem đến cho nhân dân một cuộc sống yên bình như hôm nay. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải biết hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”
Chúng ta cần phải sống như anh thanh niên, như các cô gái làm nhiệm vụ ở tuyến đường Trường Sơn, sống có ích cho đời, sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Với lối kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận, đoạn trích “Lặng lẽ Sapa” đã khắc họa thành công hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao với lí tưởng sống cao đẹp. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. “ Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.”
Đọc xong tác phẩm, ta tự hỏi rằng: “Sapa có lặng lẽ không?”. Sapa lặng lẽ trong cảnh vật mơ màng, thơ mộng nhưng đằng sau cái lặng lẽ đó là một bầu nhiệt huyết, là sự say mê, hết mình và cống hiến. Qua câu chuyện về anh thanh niên, về những mảnh đời lặng lẽ tưởng như thầm lặng, tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa không chỉ vì bản thân mà còn vì xã hội, đất nước:
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.”
Đăng ký khóa học, đặt sách và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn CHị Hiên.
Tin liên quan